10 sai lầm nghiêm trọng khi bảo trì máy tính



Bảo trì là một tác vụ cần làm đối với bất cứ người dùng máy tính nào. Bạn đã “biết tuốt” về bảo trì hệ thống PC chưa? Mong rằng bài viết dưới đây sẽ mang lại thêm cho bạn những kiến thức mới thật thiết thực.



1. Không cập nhật hệ điều hành hoặc phần mềm



Hầu hết người dùng đều đánh giá chưa đúng tầm quan trọng của việc cập nhật phần mềm thường xuyên cho máy tính. Bạn đang chạy một bản Windows chưa được vá lỗi hay đơn giản là một phiên bản Firefox quá cũ? Tất cả đều vô tình đặt hệ thống của bạn vào vòng nguy hiểm.

Hãy tạo cho mình thói quen thường xuyên cập nhật phần mềm. Đặt Windows vào chế độ tự động cài cập nhật hoặc ít nhất là thông báo cho bạn mỗi khi bản cập nhật mới được tung ra. Bên cạnh đó, những phần mềm như Adobe Reader, Flash, Java... cũng nên được làm mới liên tục.

Đừng tắt bỏ chế độ tự động cập nhật, nó có thể lấy đi của bạn một vài phút để tải về và cài đặt, thế nhưng sẽ mang lại cho máy tính độ an toàn cao hơn rất nhiều.


2. Để bụi bẩn bám đầy máy tính



Trong quá trình sử dụng, không thể tránh khỏi việc bụi bẩn bám vào case hệ thống của PC làm giảm độ hiệu quả lưu thông không khí và gây nóng máy. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn trong thời gian dài, hệ thống sẽ trở nên mất ổn định vì nhiệt độ tăng quá nhanh. Và trong trường hợp bạn dùng PC để chơi những trò chơi yêu cầu nhiều năng lượng thì mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.


Để tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc, bạn nên thường xuyên lau dọn bụi bẩn bám trong case máy. Đối với laptop, việc vệ sinh máy tính có thể khó hơn do đặc tính của loại thiết bị này là rất khó mở, do đó, khoảng vài tháng một lần bạn nên mang máy đến một tiệm sửa chữa đáng tin cậy để tiến hành vệ sinh.


3. Không sao lưu dữ liệu



Phần cứng của máy tính gặp vấn đề là một điều không thể nào tránh khỏi. Và giả sử điều đó xảy ra vào ngay ngày mai liệu bạn đã sao lưu các tài liệu, hình ảnh hay các tệp tin quan trọng chưa, hay chấp nhận để mất chúng mãi mãi?


Hãy tạo cho mình một lịch trình sao lưu thường xuyên và hợp lý. Windows 7 hay Windows 8 đều có các tính năng sao lưu tích hợp sẵn hoạt động khá hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các giải pháp như sao lưu sang ổ cứng di động hoặc tải lên các dịch vụ điện toán đám mây.


Hầu hết mọi người đều không nhận ra sự quan trọng của sao lưu cho đến như họ mất tất cả dữ liệu. Hãy thực hiện sao lưu hệ thống trước khi điều đó xảy ra với máy tính của bạn.


4. Cắm trực tiếp vào nguồn điện



Kết nối trực tiếp máy tính vào nguồn điện là một thói quen sử dụng không tốt. Thay vào đó, bạn nên kết nối một cách gián tiếp thông qua một bộ chống sốc (ổ nối dài có công tắc và cầu chì), điều này sẽ giữ an toàn cho phần cứng máy tính của bạn khi có sự thay đổi đột ngột về nguồn điện xảy ra trong quá trình sử dụng.


5. Chống phân mảnh khi không cần thiết



Có thể bạn chưa biết, thực ra Windows đã tiến hành chạy nền tác vụ chống phân mảnh khi cần thiết cho người dùng, do đó, bạn không cần thiết phải tự tay mình mở trình Disk Defragmenter để thực hiện tác điều đó quá nhiều. Trừ trường hợp ví dụ như khi bạn vừa mới cài xong một trò chơi với dung lượng khá lớn và cần tối ưu hóa khả năng vận hành của máy ngay lập tức để chơi game.

Phân mảnh quá nhiều, đặc biệt là đối với ổ cứng thể rắn (SSD), là một điều cực kì không tốt.


6. Chạy quá nhiều phần mềm diệt virus



Bạn chỉ nên sử dụng duy nhất một trình diệt virus trên máy tính của mình. Các chương trình diệt virus được lập trình để quét sâu vào hệ thống, kiểm tra chương tình trước khi chạy, do đó, nếu bạn sử dụng từ hai chương trình chống virus trở nên, nguy cơ xung đột và đổ vỡ hệ thống xảy ra sẽ rất cao. Chúng cũng có thể sẽ tự nhận nhau là malware và ngăn cản cả đôi bên trong việc hoạt động bình thường.


Trong trường hợp bạn nhất định muốn cài hai chương trình diệt virus, hãy đảm bảo việc chỉ cấp quyền chạy nền cho một và chỉ một trong số chúng mà thôi.


7. Dọn dẹp Registry bằng các ứng dụng “dọn PC”



Các ứng dụng dọn dẹp registry là hoàn toàn không cần thiết. Chúng không những không làm tăng tốc độ vận hành mà còn có thể gây rối loạn hệ thống registry đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc sử dụng máy tính bình thường.


Tương tự, các ứng dụng “dọn PC” cũng không thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, Trong trường hợp bạn muốn xóa các tệp tin tạm, bạn có thể sử dụng Disk Cleanup tích hợp sẵn trong Windows hoặc chương trình tiện ích miễn phí Ccleaner.


8. Cản trở dòng không khí lưu thông



Hệ thống máy tính cần được tản nhiệt hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh việc đảm bảo bụi bẩn không bám lại quá nhiều, bạn cũng nên để ý đến một số yếu tố khác xem chúng có đang vô tình gây cản trở đường lưu thông của dòng khí hay không. Ví dụ như việc đảm bảo bạn không để case máy tính quá sát tường chẳng hạn.


Điều này là cực kì cần thiết nhất là khi bạn thường xuyên chơi các trò chơi với đồ họa cao hoặc chạy các tác vụ nặng. Với những người sử dụng laptop, điều này còn quan trọng hơn nếu như bạn không muốn phải sớm mua máy mới.


9. Cài các phần mềm không rõ nguồn gốc



Bất cứ khi nào bạn cần cài một chương trình trên máy tính, bạn nên cảnh giác. Hãy tìm hiểu về độ tin cậy của nhà phát triển phần mềm. Cài đặt các phần mềm nguy hại có thể làm giảm trải nghiệm với máy tính như việc chúng sẽ mặc định cài thêm các thanh công cụ gây nhiễu vào trình duyệt hay nghiêm trọng hơn là đánh cắp thông tin người dùng.


10. Sử dụng card đồ họa ngốn năng lượng



Tất cả mọi người đều muốn sở hữu những cỗ máy mạnh mẽ với hiệu năng hoạt động cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần đến nó. Trong trường hợp bạn không phải là một người “chuyên trị” các thể loại game đồ họa cao hay làm một công việc đòi hỏi khả năng xử lý đồ họa "khủng" thì việc sử dụng một card màn hình ngốn năng lượng là điều không cần thiết. Nó sẽ tiêu tốn khá nhiều điện năng kể cả khi không hoạt động ở mức độ cao nhất.

0 Response to "10 sai lầm nghiêm trọng khi bảo trì máy tính"

Post a Comment

Friends list